Bộ sưu tập Vertu tiền tỷ

Là dân chơi điện thoại có tiếng tại TP HCM, anh Nguyễn Lân (Kỳ Lân), 32 tuổi, đã sưu tầm điện thoại cổ hơn 15 năm qua, với nhiều loại máy, từ Nokia, Motorola, Siemens… cho đến hơn hai mươi chiếc Vertu sang trọng. Theo thời gian, một số máy hỏng không thể sửa chữa nên hiện bộ sưu tập Vertu chỉ còn 16 máy. “Đa số sản phẩm đại diện cho bước thăng trầm của Vertu. Đó chính là lý do tôi sưu tầm loại điện thoại siêu sang này, dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ”, anh Lân chia sẻ.

Click để lật ảnh

Chỉ một vài máy trong bộ sưu tập còn đầy đủ hộp và phụ kiện, trong đó có ba mẫu thuộc dòng Ascent là Ascent Ti, Ascent Ti Ferrari Special Edition và Ascent Ti Knuler, với tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng.

Chiếc Ascent Ti là mẫu được anh Lân quý nhất, bởi đây là phiên bản sample để trưng bày, dán nhãn “Not for sale” nhưng có đầy đủ hộp, phụ kiện, sách hướng dẫn và trông như bản thương mại. Anh khẳng định “chỉ vài người” sở hữu sản phẩm với tình trạng tương tự trên thế giới.

Trong bộ sưu tập có hai phiên bản Vertu kết hợp với hãng xe đua Ferrari là Ascent Ti Ferrari Nero Limited (trái) và Ascent Ti Ferrari Special Edition (phải) với màu sắc bàn phím cũng như kết cấu có đôi chút khác nhau. Cả hai ra đời năm 2009 với 2009 phiên bản được phát hành.

Hai mẫu Vertu Ascent 2007 (trái) và Constellation 2008 (phải) có thiết kế nhỏ gọn và màu sắc bắt mắt. Anh Lân cho biết, việc sưu tầm điện thoại Vertu khó hơn so với điện thoại thông thường bởi chúng được sản xuất giới hạn, giá đắt đỏ, khiến việc giao lưu thiết bị giữa những người chơi trong nước bị hạn chế.

“Để thỏa niềm đam mê, tôi phải tìm mua máy ở nước ngoài và từng bị lừa hơn 100 triệu đồng. Có lần, tôi ‘săn’ được một mẫu rất quý, là sự bổ sung quan trọng trong bộ sưu tập. Nhưng cuối cùng, người mà tôi nhờ xách tay chiếc máy về lại báo mất, khiến tôi buồn cả tháng trời”, anh Lân kể.

Slide

Chiếm đa số trong bộ sưu tập là loạt Signature S Pure với các phiên bản được chế tác từ vàng, bạc, titan, da động vật… có giá từ 190 triệu đồng đến 450 triệu đồng. Tổng giá tiền của sáu chiếc máy khoảng hai tỷ đồng.

Chủ nhân bộ sưu tập cho biết, việc bảo quản điện thoại không quá phức tạp, chỉ cần mỗi tuần một lần khởi động, kiểm tra pin, thử các tính năng và sau đó cho vào tủ chống ẩm hoặc hút chân không. Do được chế tác với nhiều kim loại và da hiếm, việc lau chùi phải cẩn thận và tỉ mỉ hơn.

Slide

Bên cạnh các mẫu đời cũ, bộ sưu tập cũng xuất hiện các sản phẩm mới hơn, như chiếc Constellation Aster chạy Android năm 2016. Model này là phiên bản thử nghiệm khá hiếm, số lượng sản xuất ít và có giá trị sưu tầm cao.

Mẫu Constellation Quest, phiên bản điện thoại thông minh đầu tiên của Vertu dùng hệ điều hành Symbian. Máy có bàn phím QWERTY tương tự BlackBerry nhưng sử dụng chất liệu thép không gỉ và sapphire sang trọng.

Bộ sưu tập điện thoại Vertu của anh Nguyễn Lân được đánh giá thuộc dạng hiếm tại Việt Nam. “Điện thoại Vertu đều rất đắt đỏ nên không phải ai cũng có thể sưu tầm nhiều máy như vậy. Độ hiếm của bộ sưu tập còn nằm ở các phiên bản thử nghiệm, cũng như những máy có đầy đủ hộp và phụ kiện”, Trọng Bình, một dân chơi điện thoại cổ tại TP HCM, nhận xét.

Vertu được thành lập năm 1998 và là một phần của thương hiệu Nokia, chuyên sản xuất các dòng điện thoại siêu sang gắn đá quý, vàng và da động vật. Năm 2012, Vertu được bán cho EQT. Đến 2015, Vertu được Godin Holdings, có trụ sở tại Hong Kong, mua lại trước khi về tay Baferton (công ty Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có trụ sở tại đảo Sip) vào tháng 3/2017. Đến tháng 7/2017, Vertu tuyên bố ngừng sản xuất do vỡ nợ. Từ khi thành lập, có hơn 500.000 chiếc điện thoại xa xỉ mang thương hiệu này được bán ra.